Tiền đổ vào BĐS đạt kỷ lục
Dòng tiền đang đổ mạnh vào BĐS, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TPHCM, cho biết như vậy tại buổi tọa đàm. Các dòng tiền đổ vào BĐS từ năm 2013 đến nay khá phong phú như vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kiều hối, quỹ đầu tư… nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tín dụng ngân hàng. Về vấn đề có hay không xảy ra bong bóng BĐS, riêng cơ chế chính sách hiện nay đang làm mọi cách không để xảy ra tình trạng này. Đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đến năm 2018 chỉ còn 40%; trong khi những năm trước con số này lên đến 60%. Thống đốc NHNN đã chỉ thị các ngân hàng thương mại kiểm soát rủi ro ở các lĩnh vực như BĐS, BOT… Do đó, các ngân hàng sẽ phải kiểm soát chặt dòng vốn vào BĐS, bảo đảm an toàn hiệu quả. Thống kê của NHNN vào quý 1-2017 trong lĩnh vực BĐS cho thấy, tổng dư nợ của toàn TPHCM là trên 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó có 164.000 tỷ đồng cho BĐS, chiếm 10,88% trên tổng dư nợ. “So với các giai đoạn vừa qua thì hiện nay tín dụng BĐS có số dư nợ cao nhất, nhưng cao nhất là con số tuyệt đối, còn về tỷ lệ chỉ chiếm 10,88% trong tổng dư nợ, thấp hơn nhiều nếu so với năm 2007-2008, khi đó tín dụng tăng trưởng nóng lên trên 30% trong tổng dư nợ”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Lý giải về bảo lãnh ngân hàng trong trường hợp bán NOTL, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định, ngân hàng chỉ bảo lãnh đối với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng chứ không phải bảo lãnh dự án BĐS, công trình BĐS. Tức là, chủ đầu tư không giao được nhà theo đúng tiến độ hoặc không thực hiện theo hợp đồng đã cam kết, dẫn đến khách hàng không nhận được nhà thì ngân hàng bảo lãnh trả lại tiền mà khách hàng đã nộp. Tiếp đó, việc bảo lãnh của các tổ chức tín dụng nhằm vào quản lý hay quản trị hoặc hạn chế rủi ro mua NOTL, chứ không phải là siết chủ đầu tư hoặc nâng cao giá của căn nhà. Qua đó, tạo niềm tin của khách hàng mua nhà với chủ đầu tư. Về phí bảo lãnh, hiện nay mức phí các ngân hàng đưa ra rất cạnh tranh, theo thống kê từ 0,05% – 0,12%/năm, chi phí tối thiểu để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh; tài sản thế chấp cũng chính là sản phẩm của dự án.
Đối với vấn đề mà hầu hết khách hàng quan tâm là việc cấp giấy chủ quyền nhà khi có tranh chấp giữa chủ đầu tư – khách hàng – ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, tháng 3-2017, UBND TPHCM đã ban hành văn bản xử lý các trường hợp này. Giải pháp là yêu cầu chủ đầu tư làm 3 bước: Trước tiên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) yêu cầu chủ đầu tư phải có văn bản thỏa thuận gửi đến ngân hàng để đề nghị làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, lấy tài sản giải chấp giao cho khách hàng; tiếp theo, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ yêu cầu chủ đầu tư cùng với ngân hàng cho vay tiến hành thỏa thuận để chủ đầu tư rút tài sản thế chấp; sau cùng, Sở TN-MT cùng UBND các quận huyện xem xét để cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà, sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. Trường hợp chủ đầu tư có tài sản riêng nhưng chưa được chứng nhận sở hữu: Sở TN-MT xem xét cấp giấy chứng nhận cho tài sản thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư; sau khi cấp giấy xong, NHNN sẽ yêu cầu ngân hàng thương mại cho thay thế tài sản thế chấp, tiến hành giải chấp căn hộ để làm thủ tục cấp sổ. Trường hợp chủ đầu tư chây ỳ, trì hoãn không trả nợ ngân hàng, TP cũng chỉ đạo: Sở Xây dựng kiểm tra việc kinh doanh BĐS của chủ đầu tư, để từ đó xác nhận việc sai phạm trong kinh doanh của chủ đầu tư, có biện pháp xử lý hành chính; Sở TN-MT, UBND các quận, huyện hướng dẫn người mua nhà tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật; cuối cùng, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ xử lý hình sự. Đây là các giải pháp căn cơ để giải quyết các rủi ro có thể có trong việc mua, bán NOTL
Nguồn: sggp.org.vn